Từ Bỏ Ngành Y: Hành Trình Chinh Phục Computer Science của Thủ Khoa và Cơ Hội Thực Tập tại Facebook
Những dòng chia sẻ từ anh Triết hy vọng sẽ là nguồn cảm hứng để các bạn khám phá tiềm năng trong mình nhé!
3 năm học Y, không quá dài nhưng cũng đủ để cảm nhận được phần nào cuộc sống của một bác sĩ và hệ thống nhóm ngành Y tế ở Việt Nam. Mình không muốn nói quá nhiều về nó, chỉ đơn giản là bản thân cảm thấy không phù hợp, và trong suốt quá trình học, mình không cảm nhận được bản thân sẽ phát triển được hết tiềm năng và thế mạnh. Trong suốt 3 năm, mình đã cố gắng, cố gắng rất nhiều, thay đổi muôn vàn phương pháp học, xin ý kiến từ đàn anh ở khắp lĩnh vực khác nhau, nhưng tóm lại vẫn là một từ "không hợp".
Trong thời điểm mình đang rất chán nản, vô tình trong một lần nói chuyện với một người bạn, mình lần đầu biết về ngành Computer Science và rất ấn tượng về những ứng dụng của nó trong cuộc sống. Tuy vậy, mình không vội lên quyết định đổi ngành. Thay vào đó, nhờ vào sự động viên của anh hai và những người bạn thân, mình quyết định đăng ký học thử ở một trung tâm dạy thuật toán cơ bản và bị cuốn vào nó. Đã từ rất lâu rồi kể từ lúc mình có cảm giác sung sướng khi giải ra một bài toán khó, hay học thêm một kiến thức mới. Sự logic của Computer Science rất phù hợp và gần gũi với Toán, môn học mình yêu thích nhất cũng như trải qua nhiều vui buồn nhất. Kể từ lúc đó, mình quyết định đổi ngành và được nhận vào University of Alberta.
Từ những ngày đầu tiên bắt đầu kỳ học mới, mình đã nghe nói về sự cạnh tranh khốc liệt của ngành. Sẽ khá khó kiếm việc sau khi ra trường nếu như bạn không có kinh nghiệm thực tập trong thời gian ở đại học. Cộng thêm áp lực đã trễ 4 năm so với bạn bè cùng lứa. Phần lớn bạn bè mình thời điểm đó đã bắt đầu đi làm hoặc sắp tốt nghiệp, nên peer pressure là điều không thể tránh khỏi. Kể từ đó, mình bị cuốn vào vòng xoáy kiếm việc và ôn luyện phỏng vấn. Do mình đổi ngành cộng thêm vừa mới vào học chưa có kinh nghiệm hay self project, tuy đã nộp rất nhiều công ty nhưng hầu như không có công ty nào gọi, ngoại trừ Facebook. Tuy áp lực là có, nhưng mình cũng rất hào hứng về nó. Mình suy nghĩ rất tích cực: nếu mình có rớt thì cũng không sao, được phỏng vấn với một trong những công ty công nghệ lớn nhất là một kinh nghiệm rất quý giá. Còn nếu như mình đậu thì con đường phía trước sẽ rộng mở hơn rất nhiều, sẽ là một lời khẳng định rằng con đường mình đi là đúng. Nhận thức được điều đó, mình lao vào ôn luyện ngày đêm, thật tập trung và kiên trì. Và thành quả nhận được là offer thực tập tại Facebook hè năm ngoái, một trong những kỷ niệm đẹp nhất mình từng có.
Trước khi bắt đầu kỳ thực tập, mình rất lo lắng vì đây là kỳ thực tập đầu tiên, cũng như mình chưa có kinh nghiệm nhiều. Ngày đầu tiên bắt đầu chính thức, mình đã bị lạc trong khuôn viên và bị trễ mất giờ lấy badge công ty, trễ luôn cả event chào đón thực tập sinh sau đó. Ngày hôm sau, khi bắt đầu làm task đầu tiên, laptop công ty giao cho mình bị lỗi không kết nối với hệ thống được. Mãi đến tối, sau hàng giờ mày mò, cuối cùng mình cũng kết nối máy được và hoàn thành liền 2 tasks ngay sau đó. Những tuần đầu, mình cũng mắc nhiều lỗi ngớ ngẩn trong lúc làm, tuy nhiên những anh chị đồng nghiệp rất thoải mái và nhiệt tình hỗ trợ. Nhờ vậy, mình dần quen hơn với công việc, ít sai linh tinh, và hoàn thành task nhanh chóng hơn. Cuối đợt, mình được mức rating Exceeding Expectation và mình rất hài lòng về nó.
Trong quá trình học và làm việc trong ngành Computer Science, mình nhận ra có rất nhiều đặc điểm chung giữa sửa lỗi phần mềm và chữa bệnh. Nếu như ở con người, bác sĩ dựa vào những triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh ở mức sơ bộ, thì ở phần mềm, các kỹ sư (software engineer) sẽ dựa vào những biểu hiện của phần mềm như hiển thị giao diện, dữ liệu gửi về,... để dự đoán sơ lược vấn đề đang gặp phải. Sau khi khu trú được những vùng có thể gây ra biểu hiện này, nếu như bác sĩ làm những xét nghiệm sâu bên trong cơ thể, thì các kỹ sư sẽ dùng test, log,... để truy vết và kiểm tra xem bộ phận nào còn hoạt động bình thường và bộ phận nào bị lỗi. Hiểu một cách đơn giản là cũng như con người, phần mềm cũng có cấu trúc giải phẫu của nó và những sai hỏng đều có nguồn cơn ở đâu đó mà các kỹ sư cũng đều “xét nghiệm" để tìm ra chúng. Tuy vậy, điểm khác biệt mà mình cảm thấy yêu thích ở ngành Computer Science chính là mỗi phần mềm đều có cấu trúc riêng biệt, không có phần mềm nào giống phần mềm nào kể cả nó có hoạt động giống nhau. Mỗi ngày làm việc là một bài toán mới, độc nhất, luôn luôn thách thức tư duy của bản thân.
Nếu bạn có ý định tìm hiểu để đổi ngành sang lĩnh vực công nghệ nói chung hay Computer Science nói riêng, hãy trải nghiệm thử trước khi đưa ra quyết định. Có thể là một hoặc vài khóa học, project tự làm để cho bạn thấy được có phù hợp hay không. Còn nếu bạn đã quyết tâm thay đổi, thì hãy kiên định và tin tưởng vào sự lựa chọn của bản thân. Không có con đường nào là thẳng tắp, nhưng không có nghĩa là không đi tới đích được. Có thể hôm nay bạn chưa đạt được mục đích, ví dụ như làm ở một công ty lớn hay làm trong một lab xịn nào đó, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ mãi mãi như vậy. Nếu như bạn quyết tâm và hết lòng với nó thì sớm muộn cũng tới lúc bạn hái quả ngọt thôi. Một điều mà mình học được sau khi đổi ngành là: con đường của mỗi người là khác nhau, có người thành công sớm, thất bại sớm, thành công sớm rồi thất bại,... Mình chỉ cần đi con đường của mình và tập trung vào nó và chỉ nó.
Cảm ơn các bạn đã đọc những chia sẻ của anh Triết về hành trình từ ngành Y tới Computer Science và những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống. G-college hy vọng rằng những câu chuyện này sẽ là nguồn cảm hứng và khích lệ cho bạn đối diện với những quyết định khó khăn trong cuộc sống và sự nghiệp của mình.
Để giúp bạn tiếp tục khám phá và phát triển tiềm năng du học của bản thân, G-college và các Mentors đã hợp tác thành lập G-college Mentor Network. Đây là một cộng đồng đa dạng và giàu kinh nghiệm, nơi bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ và định hướng từ những người đã trải qua những bước đi tương tự trong hành trình du học và sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình khám phá tiềm năng của bạn cùng G-college Mentor Network ngay hôm nay bằng cách ghé thăm website tại [https://www.gcollege.org/] hoặc tìm hiểu thêm thông tin và kết nối với cộng đồng G-college trên trang G-college Network page [https://m.facebook.com/groups/gcollegenetwork/?ref=share]