top of page

Gap Year có cần thiết hay không ?

Gap year là khoảng thời gian nghỉ ngơi hoặc khám phá những điều mới mẻ, thường diễn ra khi cá nhân đang trải qua các bước chuyển tiếp quan trọng trong cuộc đời

1. Gap Year Là Gì? 


Gap year là khoảng thời gian nghỉ ngơi hoặc khám phá những điều mới mẻ, thường diễn ra khi cá nhân đang trải qua các bước chuyển tiếp quan trọng trong cuộc đời, như từ tốt nghiệp trung học đến đại học, hoặc khi đang cân nhắc về sự chuyển hướng sau một thời gian làm việc. Và mặc dù tên gọi là gap year, nhưng nó có thể kéo dài ít hơn hoặc nhiều hơn 12 tháng. Định nghĩa kĩ hơn chữ Gap Year, "gap" là một khoảng nghỉ giữa hai sự kiện nào đó, "year" là một năm 12 tháng, gap year là 12 tháng nghỉ để làm những việc khác chuẩn bị cho một chương mới.

Trong văn hoá phương Tây, gap year được xem là một hình thức khá phổ biến cho các học sinh cấp ba sau khi tốt nghiệp. Nhưng ở văn hoá châu Á, gap year vẫn chưa thực sự được đón nhận và hiểu đúng về bản chất của nó.Trong bài viết này, G-College sẽ cùng bạn nhìn thẳng vào cánh cửa mang tên Gap Year, cũng như những gì mà nó thật sự mang lại cho hành trình của mỗi người, và lí do vì sao Gap Year lại quan trọng đến vậy nha


2.Lý Do Chọn Gap Year

a.  Không đủ tài chính cho việc học Đại Học

Gặp cản trở về tài chính là một trong những lý do chính mà các bạn trẻ chọn gap year. Thay vì vội vàng bước vào đại học với gánh nặng tài chính, các bạn có thể dành một năm đi làm, học hỏi thêm để chuẩn bị tài chính tốt hơn cho các năm đại học sau này. Việc tích lũy kinh nghiệm làm việc không chỉ giúp các bạn có thêm thu nhập mà còn mang lại những kỹ năng thực tế quý giá, giúp họ tự tin và sẵn sàng hơn khi trở lại con đường học tập.



b. Khám Phá tiềm năng bản thân

Việc lựa chọn gap year mở ra cho các bạn trẻ những góc nhìn sâu sắc về bản thân. Đó là thời điểm các bạn quyết định tạm gác laị công việc, học tập quen thuộc của mình để khám phá những đam mê, sở thích và tiềm năng của mình trong một môi trường thực tế và giàu trải nghiệm hơn. Dù là đi du lịch, làm việc hay xây dựng dự án cá nhân, gap year là một hành trình vô cùng giá trị giúp các cá nhân phát triển kỹ năng sống và khai phá bản thân qua từng thử thách mới của cuộc đời. Qua mỗi trải nghiệm trong chặng hành trình ấy, đòi hoỉ các bạn có những quãng thời gian nhìn nhận và suy ngẫm cá nhân nhằm củng cố ý thức về giá trị bản thân và khai phá thêm những thế mạnh đặc biệt của mình.



c. Mở rộng network( kết bạn, trao đỏi văn hoá)

Trong thời gian gap year, việc phát triển các hoạt động cá nhân sẽ đồng thời giúp các bạn có cơ hội phát triển thêm các mối quan hệ ngoài phạm vi nhà trường. Những hội nhóm này không chỉ là tiền đề để các bạn mở rộng kĩ năng giao tiếp, phát triển nền tảng cho việc tìm kiếm cơ hội tiếp theo trong nghề nghiệp, mà còn là nơi để trao đổi kiến thức về văn hoá. Bản thân chúng mình cũng đã từng mắt chữ 0 mồm chữ A khi thấy các bạn ở Phần Lan có văn hoá nhảy tùm xuống sông lạnh đầy băng sau khi sauna xong, hoặc được chứng kiến biểu tình ngoài đường phố vì bất cứ lí do gì :D 



d. Tìm Kiếm Trải Nghiệm Sống

Không ít các bạn trẻ đã tận dụng “khoảng nghỉ” này để thật sự “sống hết mình với tuổi xuân”. Ngoài đi thực tập, tìm kiếm cơ hội cọ xát bản thân ở môi trường công việc chuyên nghiệp, các bạn GenZ còn dành thời gian đi đến khắp mọi miền Tổ quốc, đặt bản thân mình vào những khung cảnh sống khác nhau. Khi thì khám phá những hang sâu, khi thì thấy các bạn đang đắm mình trong làn nước biển ở một hòn đảo nào đó, khi thì chạy xe máy theo những đám mây trên những con đường đèo khúc khuỷu. Người xưa có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chắc hẳn sau những chuyến đi đầy thử thách và thú vị ấy là một kho tàng kiến thức, kinh nghiệm sống mà không phải ai cũng có cơ hội tích luỹ được. Một hoạt động được nhiều bạn trẻ khá ưa thích đó là tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, những tổ chức phi lợi nhuận như G-college, AIESEC, UNICEF, etc. Đây là những môi trường tuyệt vời để các bạn cống hiến sức sáng tạo, rèn giũa bản thân mình thành những cá nhân giúp ích cho xã hội.


3. Gap Year sẽ làm gì

a. Làm Việc

Thuỳ Dung (1999) chọn ra ba năm gap year như một khoảng giữa để đi tìm công việc thực tập và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực Marketing ngay khi vừa tốt nghiệp cấp ba. Đối với Dung, việc đưa ra quyết định này không phải vì không biết mình muốn gì, mà vì “đã biết mình muốn gì” - rằng việc học đại học chưa thật sự là đích đến sẵn sàng của bản thân Dung ở thời điểm đó. Gap year đối với bạn là một khoảng thời gian làm việc không ngừng nghỉ và phát triển được sự nghiệp của mình với những trải nghiệm thú vị từ ngành Digital Marketing. Bước đệm này đã giúp Dung đưa ra được định hướng mới hơn cho bản thân mình, khi quyết định dừng lại việc đi làm và tập trung phát triển con đường học vấn với tấm bằng cử nhân ngành Kinh Doanh Quốc Tế tại Phần Lan. 

Tương tự Thuỳ Dung, Mai Vũ (năm sinh) cũng chọn dành ra hai năm đầu đại học để gap year và dành thời gian đó cống hiến cho việc thực tập. Đối với Mai, việc Gap year là một khoảng giữa để Mai hiểu hơn về lựa chọn nghề nghiệp và tìm hiểu sâu về bản thân mình. Mai bắt đầu thực tập toàn thời gian tại một Marketing Agency tại Hà Nội năm 2020 với vị trí Account Executive, và từ đó có thêm nhiều trải nghiệm thú vị cho hành trình phát triển của chính mình (trải nghiệm đó sẽ được bật mí ở các phần sau) :D


b. Du Lịch

Đây có lẽ là mục tiêu mà nhiều bạn trẻ thường ngắm tới nhất khi bắt đầu chọn hành trình Gap Year. Du lịch có thể được xem như một cách hay để mở rộng tầm nhìn về thế giới. Sau 18 năm sống trong môi trường nhỏ giữa gia đình và bạn bè, du lịch ở các thành phố/tỉnh thành/quốc gia khác nhau có thể đưa ra nhiều cái Wow hơn cho các bạn trẻ, và giúp các bạn nhận ra thế giới mình đang sống chỉ là một phần nhỏ của trái đất. Từ đó hiểu thêm được các nền văn hoá đa dạng và các phương thức giao tiếp rộng mở hơn. Chưa hết, du lịch còn có thể giúp các bạn hiểu rằng đôi khi, có những điều phù hợp ở đây lại không thực sự phù hợp ở kia. Vậy nên nếu có khả năng đi du lịch nhiều, thì phần đông các bạn trẻ sẽ phát triển được kĩ năng thích nghi của bản thân tốt hơn. 


c. Tình Nguyện

Khá nhiều các khoá học/chương trình ngắn hạn cần tình nguyện viên, và việc đi tình nguyện cũng đồng thời là một bước đẩy để tìm ra khả năng của bản thân. Trong thời gian tham gia tình nguyện, các hoạt động nhóm liên tục sẽ giúp các bạn hiểu được điểm mạnh/yếu của bản thân cũng như cách phối hợp làm việc với nhiều người khác. 

Bảo Trân (1998) chọn tham gia chương trình tình nguyện của AIESEC Vietnam ngay sau khi bắt đầu năm nhất đại học trong suốt 6 tuần, mục đích của chương trình là nâng cao ý thức của người trẻ về việc hoạt động thể dục thể thao. Tuy chỉ có 6 tuần ngắn ngủi do là chương trình ngắn hạn, nhưng bạn đã có được kinh nghiệm thực chiến khi làm việc với các tình nguyện viên Việt Nam và nước ngoài khác để tạo ra một gameshow nhỏ khuyến khích mọi người cùng tập thể dục.

“Tuy mức thành công của chương trình không như mong đợi, nhưng mình thấy sau khi tham gia chương trình, mình bắt đầu hiểu hơn về cách làm việc nhóm cũng như cách đóng góp ý kiến cá nhân một cách chủ động nhất. Về sau thì mình bớt nhút nhát hơn trong các hoạt động nhóm và thường nói lên ý kiến của mình mạnh mẽ hơn.”


d. Học Tập ( học các khoá học chuẩn bị kĩ năng mềm và cứng )

Ngoài các lí do như trên, thì cũng sẽ có một vài cá nhân chọn Gap year như một khoảng thời gian để hoàn thiện hồ sơ học vấn của chính mình. Từ việc chuẩn bi cho các khoá học về IELTS/TOEIC để bắt kịp ngôn ngữ ở nước bạn, cho đến các khoá học về kĩ năng mềm (Kĩ năng thuyết trình, Kĩ năng giao tiếp thường ngày, Kĩ năng tin học, Kĩ năng lái xe…)

trích dẫn - Thuỳ Dung (1999) chọn học thêm về dinh dưỡng và học lái xe. 

4. Băn khoan suy nghĩ khi gap year

Khi nói về những thắc mắc, nghi ngờ về việc gap year thì nhiều vô kể. Ngay từ đầu chúng ta bắt đầu việc gap vì những câu hỏi như: điều gì phù hợp với mình, điểm mạnh điểm yếu của mình là gì, tương lai của mình rồi sẽ như thế nào,... 

Mình có một người bạn, gọi bạn ấy là Jovianna. Jovi là một cô gái rất mạnh mẽ và độc lập. Bạn ấy có một cách tư duy rất mới lạ, thú vị. Ngay từ lâu bạn ấy đã có mong muốn được hiểu hơn về bản thân cộng với việc mong muốn có một sự định hướng rõ ràng hơn, Jovi đã tạm nghỉ khoảng 1 năm sau cấp 3. Đó là một lựa chọn có phần táo bạo đối với một học sinh Châu Á nhưng lại vô cùng đúng đắn.

Trong quá trình tìm về bản thân mình, ngoài việc đi làm, phát triển các kĩ năng, Jovi còn có cơ hội tiếp xúc, nói chuyện với nhiều người, khiến tâm thức của bạn ấy thật sự mở mang. Và rồi, một cuộc cách mạng diễn ra trong cách suy nghĩ của cô gái, một cuộc khủng hoảng hiện sinh xảy ra. Khi đó, người bạn đó liên tục đặt ra những câu hỏi, những nghi vấn về các giá trị của bản thân và những thứ xung quanh cô ấy. Điều gì tạo ra giá trị của mình? Nếu không có những điều đó thì mình là ai? Một khoảng thời gian bấp bênh, lộn xộn, mông lung và nhiều nghi ngờ. Nhưng, có một điều mà mình rất tự hào về người bạn này là Jovi thay vì bị kéo lại bởi những suy tư, cô ấy lại cứng cáp, thử thách và trải nghiệm để tự mình tạo ra những giá trị về vật chất và tinh thần. Trong quá trình ấy, Jovi vô tình gặp lại một cảm giác vui sướng thuở nhỏ khi khám phá ra một thư mới. Như một bệ phóng, Jovi đã cố gắng hết mình để theo đuổi ước mơ và được học bổng từ một trường đại học có tiếng ở Úc.  Từ đó, đứa trẻ tò mò trong Jovi như được sinh ra một lần nữa. Người bạn đó học bằng cả niềm đam mê và vui thích khi được theo đuổi ngành học phù hợp. 

Còn về câu hỏi mà mình nghĩ không chỉ bạn ấy mà chúng mình cũng đang đặt ra cho bản thân: “mình là ai?”; đến bây giờ, mình nghĩ chưa ai trong chúng ta có câu trả lời cả. Nhưng chẳng phải đó là một điều thú vị khi từng ngày từng ngày, chúng ta đặt ra giới hạn rồi tự mình phá bỏ giới hạn. Ta nhận ra mình không chỉ là phiên bản mà mình đang gán ghép trong đầu, mà còn có thể phát triển vô tận; và điều quan trọng là, tất cả các phiên bản đó chính là bản thân ta. Lúc đó, ta nên tự thưởng cho bản thân câu “hoá ra mình giỏi đến vậy sao”. 

Mình tin rằng , khi bản thân ta ở trong bối cảnh phù hợp với thể chất và tinh thần được thừa hưởng từ gia đình và giáo dục. Năng lực và niềm yêu thích đam mê sẽ chỉ đường cho sự lựa chọn của ta.


5.Vượt qua FOMO in gap year time ( cảm giác bị bỏ lại phía sau)

Một đắn đo khác không chỉ các bạn gap year gặp mà rất nhiều cá nhân trong chúng ta gặp phải (trong đó có mình) chính là FOMO (Fear Of Missing Out). Mình tin là FOMO ở các bạn đang gap thì khá rõ ràng hơn vì trong khi mình còn loay hoay với bản thân thì thế giới ngoài kia đang không ngừng phát triển lên. Bạn bè xung quanh làm dự án này, dự án kia, đi đây đi đó, gặp nhiều người có sức ảnh hưởng,... Mình hiểu được là điều đó khiến các bạn áp lực và khó chịu đến nhường nào. Nhưng có một điều mình luôn phải nhắc lại: mỗi chúng ta đều là một cá thể khác biệt và có những con đường riêng, vì thế đừng so sánh bản thân mình với người khác, hãy lấy họ là nguồn cảm hứng, động lực và tin rằng họ làm được thì ta cũng làm được.

Người ta hay nói: Muốn xây nhà cao thì nền phải vững. Chính lúc mình tạm nghỉ, quay về bản thân là lúc mình đang xây dựng nền móng cho các bước thang tiếp theo dẫn ta đến thành công. Vì thế, hãy có niềm tin vào chính mình, tự tin trong những lựa chọn của mình và sống thật tích cực nhé!

6. Gap Year có cần thiết hay không?

Từ những chia sẻ chân thật về trải nghiệm gap year của 3 bạn Thuỳ Dung, Mai Vũ và Bảo Trân, chúng ta cũng phần nào có những góc nhìn thực tế hơn về câu hỏi Liệu Gap Year có cần thiết hay không? Gap Year không phải lúc nào cũng cần thiết và cũng không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Nó có thể là một cơ hội tuyệt vời cho giới trẻ để phát triển bản thân, tích lũy kinh nghiệm và khám phá thế giới. Trong một năm đó, chúng ta có thể thử nghiệm nhiều hướng đi mới và có những trải nghiệm thực tế ngoài khuôn khổ học tập truyền thống. Tuy nhiên, nó không phải là con đường duy nhất để đạt đến thành công và cần được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Quyết định có nên nghỉ một năm hay không phụ thuộc vào mục tiêu, hoàn cảnh cá nhân và tài chính của mỗi người. Đối với những ai có thể lên kế hoạch tốt và có đủ điều kiện, Gap Year sẽ là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời, nhưng nó không phải là giải pháp phù hợp cho tất cả cá nhận.



7. Góc nhìn mới về Gap Year cho phụ huynh.

Gap Year chắc hẳn sẽ là một khái niệm mới và đem lại cho phụ huynh những quan điểm trái chiều về vấn đề này. Họ thường bị ảnh hưởng bởi những định kiến chung của xã hội. Nhiều người lo lắng việc nghỉ một năm sẽ khiến con cái họ bị tụt hậu trong học tập hoặc cho rằng Gap Year chỉ dành cho những gia đình giàu có, có khả năng tài chính để du lịch hoặc tham gia các chương trình đắt đỏ mà không mang lại giá trị thiết thực. Những lo ngại và định kiến này đôi khi có thể làm lu mờ những lợi ích và cơ hội tiềm năng mà một Gap Year được lên kế hoạch tốt có thể mang lại. Qua bài viết này, G-College mong muốn mang đến cho phụ huynh những góc nhìn mới về Gap Year để có những sự thấu hiểu và đồng hành cùng các bạn trẻ trong chặng hành trình chinh phục ước mơ của mình. 


Thay vì nghĩ Gap Year chỉ là một kì nghỉ làm ngắt quãng học tập, công việc thì hãy coi đó là một khoản đầu tư chiến lược vào sự phát triển toàn diện của con cái. Khoảng thời gian này có thể được sử dụng cho các kỳ thực tập, công việc tình nguyện, hoặc theo đuổi các dự án cá nhân nhằm cung cấp kinh nghiệm thực tế cho con đường học tập và sự nghiệp trong tương lai. Qua đó, là cơ hội để nâng cao sự trưởng thành và phát triển các kỹ năng sống quan trọng như tự lập, giải quyết vấn đề và hiểu biết văn hóa. Hiểu và chấp nhận những lợi ích tiềm năng của Gap Year có thể biến nó từ một trở ngại thành một bước tiến mạnh mẽ trong hành trình trưởng thành của con cái.



Group 262.png

Theo dõi để cập nhật.

facebook-circular-logo 1 (Traced).png
linkedin 1 (Traced).png
bottom of page