3 Năm Đại Học, Du Học Sinh Châu Âu Cần Chuẩn Bị Gì?
Việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học tại Châu Âu đòi hỏi không chỉ bằng cấp mà còn các kỹ năng chuyên sâu, kinh nghiệm và một hồ sơ nổi bật. Dưới đây chúng mình sẽ đề xuất một số lưu ý trong 3 năm đại học, hy vọng có thể giúp bạn tự tin và chắc chắn hơn về con đường sự nghiệp trong tương lai.
Năm 1: Đặt Nền Tảng Vững Chắc
Làm quen với môi trường học tập
- Xây dựng phương pháp học tập hiệu quả, tập trung vào các môn học liên quan đến ngành học hot tại Châu Âu như kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế,vv.
- Tham gia các câu lạc bộ hoặc hội nhóm quốc tế để nâng cao kỹ năng giao tiếp và hiểu biết văn hóa.
Trau dồi ngoại ngữ
Yêu cầu ngoại ngữ công việc ở các nước Châu Âu:
- Cơ hội việc làm tại Đức: Tiếng Đức tối thiểu B1/B2.
- Cơ hội việc làm tại Pháp: Tiếng Pháp ở mức B2 sẽ giúp bạn nổi bật hơn.
- Việc làm tại Hà Lan: Tiếng Anh là đủ, nhưng biết thêm tiếng Hà Lan là lợi thế lớn.
Nghiên cứu thị trường lao động
- Tìm hiểu về các ngành có nhu cầu cao tại Châu Âu.
- Xem các yêu cầu công việc phổ biến trên LinkedIn, hoặc các trang tuyển dụng như Indeed Europe hoặc Stepstone.
Năm 2: Phát triển kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm
Tìm cơ hội để trải nghiệm làm việc chuyên nghiệp
- Tham gia vào các tổ chức phi lợi nhuận như G-college, Aiesec, … để thử thách bản thân cũng như hiểu rõ mình cần gì và thích gì. Từ đó, định hướng và theo đuổi ngành học phù hợp.
- Tìm kiếm cơ hội thực tập trên các nền tảng tuyển dụng như LinkedIn, Stepstone.
- Xây dựng trang LinkedIn cá nhân, tham gia hội thảo để kết nối với nhà tuyển dụng.
Chuyên sâu ngành học
- Đầu tư vào các môn học liên quan đến ngành bạn muốn làm việc ở Châu Âu.
- Tập trung học tập để xây dựng bảng điểm tốt.
Trang bị kỹ năng mềm và chuyên môn
- Tham gia khóa học kỹ năng phỏng vấn, làm việc nhóm và quản lý dự án.
- Thực hành viết email và giao tiếp chuyên nghiệp, rõ ràng bằng tiếng Anh và ngôn ngữ địa phương.
- Tham gia các khóa học trên mạng như Coursera, Udemy, hoặc edX để mở rộng kiến thức.
Năm 3: Hoàn thiện hồ sơ toàn diện để ứng tuyển
Xây dựng hồ sơ nổi bật.
- Chỉnh sửa CV chuyên nghiệp với các từ khóa phù hợp với ngành nghề mình muốn ứng tuyển.
- Tạo portfolio nếu ngành học yêu cầu, ví dụ như thiết kế, IT hoặc marketing.
- Chuẩn bị motivation letter.
Nghiên cứu quy trình làm việc tại Châu Âu
- Học cách viết CV và cover letter phù hợp tiêu chuẩn Châu Âu.
- Tìm hiểu về visa lao động tại các nước. Ví dụ, Blue Card ở Đức, Post-study visa ở Hà Lan, APS tại Pháp.
Tham gia các hội chợ việc làm và mở rộng mạng lưới
- Ở các trường đại học sẽ mời các công ty liên kết đến giới thiệu. Các bạn hãy tranh thủ cơ hội này để kết nối và tìm hiểu về các vị trí trong công ty bạn muốn làm việc.
- Kết nối với các cựu sinh viên hoặc nhân viên để biết rõ hơn về văn hóa và yêu cầu công việc.
Bí quyết để tìm việc thành công tại Châu Âu
Hiểu và định hướng bản thân từ khi đi học.
Có một lời khuyên mình nhận được từ một người chị mình gặp trong G-college đó là “nên thử thứ mình thích và chọn nơi nổi tiếng về ngành mà mình muốn học”.
Thứ nhất, khi mình đã xác định rõ chuyên ngành ưa thích, sự tập trung của mình sẽ được cải thiện, không còn bị mông lung trước những quyết định hay cơ hội việc làm.
Thứ hai, sau khi định hướng bản thân, mình cần đến nơi mà ở đó, ngành học đó thật sự nổi tiếng. Việc này sẽ giúp đỡ ta rất nhiều trong tìm kiếm thực tập hay làm việc chuyên nghiệp vì các công ty chuyên ngành thường sẽ đến những nơi phát triển về lĩnh vực ấy để đưa ra cơ hội việc làm.
Để nhanh chóng xác định được thì chi Thư (Head of Marketing) trong G-college gợi ý việc đi thực tập ở công ty, dù lớn hay nhỏ. Lý tưởng nhất sẽ là “đừng để trống kì nghỉ hè của bạn”. Chị Thư tin là cách học nhanh nhất chính là việc tự mình trải nghiệm, học hỏi và rút kinh nghiệm.
Trang bị các kỹ năng quan trọng như…
Kĩ năng viết email và ghi chép nhanh là những kỹ năng tuy đơn giản nhưng rất cần thiết.
Email là phương tiện liên lạc chính giữa các nhân viên với nhau và giao tiếp đến các sếp lớn. Vì thế, biết cách thiết kế email một cách rõ ràng, ngắn gọn, có gạch đầu dòng và hình ảnh kèm theo sẽ giúp công việc của bạn được trơn tru và thuận lợi hơn.
Trong môi trường chuyên nghiệp, tất cả mọi thứ liên quan đến quyết định cuối cùng, đặc biệt là tiền thì đều cần phải ghi lại. Đề phòng trường hợp tương lai có sự thay đổi mình sẽ có chứng cứ ghi chép để đối chiếu.
Ngoài ra, chúng ta nên có một thái độ tích cực như luôn đúng giờ, năng nổ với công việc và chuẩn bị tốt trước những nhiệm vụ được giao. Những kỹ năng này dù nhỏ nhưng nó sẽ giúp bạn ghi điểm rất tốt với lãnh đạo công ty.
Giữ một tinh thần tích cực và tự tin
Không thể phủ nhận, cơ hội thực tập rất quan trọng với các sinh viên đại học. Nhưng hãy coi nó như một cơ hội để học tập và hoàn thiện bản thân. Đừng vì lỗi sai hay trải nghiệm không phù hợp mà đánh giá thấp khả năng của mình.
Trong cuộc trò chuyện ngắn với chị Thư, chị luôn nhắc mình phải mở lòng trải nghiệm, cho bản thân cơ hội được sai, được nói lên ý kiến và học hỏi từ những gì đã qua.
Hy vọng bài viết này sẽ đem đến cho các bạn đọc một ý tưởng để vẽ nên con đường du học sắp tới của mình. Dù đây chỉ là góc nhìn cá nhân nhưng mình rất mong bài viết này sẽ cổ vũ bạn, giúp bạn có những sự gợi ý cần thiết trên hành trình này.😀